Ảnh hưởng dịch Covid-19 cùng với giá cả lao dốc khiến hàng chục nhà máy dăm gỗ ở Quảng Ngãi “thiệt hại kép”, lâm cảnh khốn khó.
Bãi tập kết ở nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu Nhất Hưng Trà Bồng (Quảng Ngãi).
Thống kê của Hiệp hội chế biến dăm gỗ xuất khẩu Quảng Ngãi, nếu như năm 2007, địa phương này chỉ có ba nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu thì đến nay đã lên đến 24 nhà máy với tổng công suất gần 1,4 triệu tấn mỗi năm. Ông Lê Văn Hòa, Giám đốc nhà máy Nhất Hưng Trà Bồng, cho biết do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 cùng với sản phẩm dăm gỗ rớt giá, trong quý I, sản lượng chế biến dăm gỗ của nhà máy buộc phải giảm 30-40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sản phẩm dăm gỗ ùn ứ ở cảng Dung Quất. Thống kê sơ bộ, trong quý I, riêng 7 nhà máy trong hệ thống Nhất Hưng trên địa bàn Quảng Ngãi và Quảng Nam đã giảm khoảng 50.000 tấn sản phẩm dăm gỗ xuất khẩu so với cùng kỳ năm ngoái.
Sản phẩm dăm gỗ ùn ứ ở cảng Hào Hưng, Khu kinh tế Dung Quất. Nếu như năm ngoái mỗi tấn gỗ dăm xuất khẩu có giá khoảng 126 USD thì trong quý I năm nay rớt xuống chỉ còn 122 USD/tấn. Theo Hiệp hội chế biến dăm gỗ xuất khẩu Quảng Ngãi, hiện nay nhiều nhà máy tranh mua keo non hoặc cây gỗ tạp, xay cả vỏ cây nên chất lượng gỗ dăm xuất khẩu kém chất lượng. Điều này khiến cho đối tác Trung Quốc lấy cớ ép giá gây ảnh hưởng chung đến ngành chế biến dăm gỗ tại các tỉnh miền Trung.
Theo các chuyên gia kinh tế, lâu nay 80% sản phẩm dăm gỗ lệ thuộc hoàn toàn thị trường Trung Quốc, số ít còn lại xuất sang Nhật Bản. Chi phí vận chuyển, sản xuất, nhân công ngày càng tăng nhưng giá sản phẩm dăm gỗ xuất khẩu tuột dốc khiến nhiều doanh nghiệp lao đao.
Nhiều cảng xuất khẩu sản phẩm dăm gỗ ở Khu kinh tế Dung Quất hoang vắng, đìu hiu. Ông Nguyễn Phong, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Cảng quốc tế Gemadept Dung Quất, cho hay năm ngoái, sản phẩm dăm gỗ xuất qua cảng ở khu vực Dung Quất đạt 2,7 triệu tấn tuy nhiên sang năm nay dự báo chỉ còn khoảng 2,3 triệu tấn. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng dịch Covid-19 và các thị trường chính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc có sự lựa chọn khác về đối tác nên sức mua giảm sâu.
Bà Võ Thị Thúy Hằng, Phó giám đốc Group Nhất Hưng, cho biết trước tình hình khó khăn chung của ngành xuất khẩu dăm gỗ, doanh nghiệp tập trung đầu tư thiết bị, công nghệ chuyển dần sang chế biến gỗ xẻ, ghép thanh tạo sản phẩm giá trị gia tăng gỗ rừng trồng.
Theo bà Hằng, trước thực trạng nhà máy chế biến gỗ dăm xây dựng quá nhiều ở Quảng Ngãi, để phát triển bền vững, doanh nghiệp tập trung chuyển sang chế biến sâu gỗ rừng trồng thành sản phẩm gỗ công nghiệp, vật dụng trang trí nội thất chất lượng… vừa đáp ứng nhu cầu khách hàng vừa nâng cao sức cạnh tranh, góp phần tạo nguồn thu nhập ổn định cho người lao động.